Monday, August 15, 2011

Huy Phương



Huế của một thời
Ðến với Huế, người ta như đi trở ngược lại giòng thời gian, ở đây, quá khứ bao trùm lên tất cả. Ở đâu cũng thấy những dấu vết nhắc ta nhớ tới những ngày tháng đã qua, với những di tích, đền đài, lăng tẩm, với những ngàn thông reo, với những bờ tre xanh mướt bên giòng Hương lặng lẽ. Những người đã khuất mà hình như linh hồn còn ở đâu đây, phảng phất bóng tinh kỳ hay tiếng trống chiêng, bát nhã, sênh phách cầm ca.

Nơi đây, những dấu ấn của lịch sử còn ẩn hiện trên mỗi bờ thành, góc phố, nơi tấm bia mộ hay trên những lăng tẩm. Nơi đây là dĩ vãng, là tháng ngày qua, người ta về đây là để hồi tưởng, để nhớ nhung. Ở đâu cũng đượm một vẻ buồn, mà người ra đi thường ray rứt muốn có một ngày trở lại.

Huế không những là vùng đất của quá khứ, mà Huế còn như bao phủ bởi những linh hồn quá vãng, là của hương trầm, là của chuông mõ luôn luôn nhắc nhở tới sự hiện diện của những linh hồn oan khuất. Ðó là những linh hồn chưa siêu thoát trong một bề dày của Huế tang tóc, chết chóc, tức tưởi, của những ngày thất thủ kinh đô, khi giặc Pháp tấn công Huế năm 1885, của hàng ngàn cái chết oan khuất giữa ngày Tết Mậu Thân mà máu xương rải rác từ đồng bằng Phú Thứ cho đến khe sâu Ðá Mài, của thây chất thây trên bờ biển Thuận An dưới cơn mưa pháo 75, của hàng trăm thân xác cuốn theo giòng nước lũ của mùa Thu năm Kỷ Mão.

Ban đêm, Huế có chỗ nào là không có lập lòe nén hương, suýt soa khấn vái, cầu nguyện. Sau tang tóc Mậu Thân, hãy về Huế mà nghe, nửa đêm về sáng, láng giềng, hàng xóm vang dậy chuông mõ và tiếng tụng kinh cầu nguyện cho những người đã mất sớm được siêu thăng. Huế là nơi đã trải qua nhiều biến cố đau thương, Huế đã than khóc với những tang tóc và oan khuất sẽ không bao giờ phai lạt. Nơi mỗi khu vườn của Huế đều có mỗi am thờ cho những người khuất mặt, với hoa quả, một cành hoa phượng và một ngọn đèo leo lét. Linh hồn những người khuất mặt hình như vẫn còn lẫn khuất đâu đây. Huế không bao giờ là của tương lai, nơi đó là quá khứ, là những gì đã yên nghỉ, cùng với những linh hồn oan khuất chưa siêu thoát.

Chuyện một cây cầu đã gẫy mà qúy vị và các bạn vừa nghe trong giọng hát Duy Khánh và Hương Lan. Đây là một sáng tác của Trầm Tử Thiêng. Ông đã ghi lại cảm xúc đau đớn bàng hoàng trong Tết Mậu Thân, Huế bị tan nát dập vùi khi chính những người con lạc đường của Huế đem gươm đao về phá xóm làng, giết cha mẹ anh em. Chính họ đã nhẫn tâm đội khăn tang cho Huế…

Nói đến Huế, chúng ta liên tưởng đến những cảnh chùa chiền. Không đâu trên đất nước, trong một vùng đất nhỏ hẹp mươi chục cây số vuông, mà có tới trên một trăm cảnh chùa.

Nhớ Huế làm sao khỏi nhớ đến những khu vườn. Vườn là khoảng không gian của thời thơ ấu của mỗi chúng ta, là bóng mát thời trẻ dại, là những nỗi hẹn hò, là những thứ trái cây ngọt ngào hay chua chát mà vẫn mang đầy hương vị của thời mới lớn. Tuổi ấu thơ và nhất là thời mới lớn, tuổi dậy thì, lòng ai không khỏi ngát hương hoa, trong một khu vườn tĩnh mịch nào đó, với nỗi lòng rung động thuở ban đầu còn trong suốt và đơn giản như những giọt sương mai.

Có phải ngày xưa vườn Ngự Uyển
Là đây hoa cỏ giống vườn tiên
Gót sen nhẹ bước lầu Tôn Nữ
Ngựa bạch buông chùng áo Trạng Nguyên
(Nguyễn Bính)


Vườn Huế ngày hè còn rộn tiếng ve, nhắc nhở tới mùa thi cũng là mùa chia cách. Giữa những buổi trưa yên lặng mùa hè, một tiếng ve cất lên khởi đầu, rồi muôn ngàn tiếng ve vùng lên phụ họa, tạo nên một khúc hòa tấu, âm thanh lan ra từng vùng rộng lớn. Cùng với hoa phượng nở trên những con đường xứ Huế, tiếng ve đã mang mùa hè đến bao nhiêu lần trong quãng đời học trò, ghi lại bao nhiêu mối tình, bao nhiêu sum họp và chia ly.

Hương trong vườn Huế, có khi là hương bưởi, có khi là hương dạ lý, có khi là hương sói, hương lài, hương mộc lan, cũng có khi là hương sầu đông thơm ngát một khung trời thời trẻ dại. Và đêm vườn Huế làm sao có thể thiếu trăng. Trăng lặng lẽ soi những bóng cây trong vườn, trăng lên trên đọt cau, trăng ướt trên ngọn dừa. Và trăng trên sông Hương, trăng trên màu sáng bạc của cầu Trường Tiền, trăng trên mái thuyền, trăng vỡ dưới mái chèo và ánh trăng rung động theo âm thanh của những tiếng hò đêm trên song…

Huế với những dòng sông chảy ngang dọc tạo cho Huế một vẻ đẹp tươi mát dịu dàng. Nhưng cùng theo với những dòng sông đó, mỗi năm cơn bão lụt đã gieo tai họa thảm khốc xuống Huế. Nghèo đói, tai ương hầu như triền miên trên mảnh đất miền Trung cằn cỗi, nhưng Huế chính là tâm điểm của hiểm họa thiên tai. Có nơi nào chịu nhiều nỗi bất hạnh, thống khổ như Huế. Những xác người trôi ra biển cùng với những mái tranh nghèo theo những cơn nước lũ, cơn đói đổ ập lên cả một vùng đất cằn cỗi trong nhiều ngày tháng. Có nơi nào chịu những cảnh chết chất chồng dày xéo, có nơi nào chịu cảnh chết thảm khốc trong những mồ tập thể như Huế…

Huế như một người con gái tài hoa mà bất hạnh. Huế là “nơi đi để mà nhớ, không phải ở để mà thương”. Người xa Huế như xa một mối tình không trọn vẹn, nhưng xa rồi, thương nhớ xót xa biết bao nhiêu.

Huế là nỗi ám ảnh không rời, Huế là nơi gợi cho chúng ta những giấc mơ xưa không bao giờ thành, là nơi chúng ta thường mong ngày trở lại nhưng không bao giờ đúng hẹn.

*Tiểu sử tác giả
Tên thật của Huy Phương là Lê Nghiêm Kính
Cựu học sinh trung học Khải Ðịnh và trường Quốc Gia Sư Phạm Saigon.
Dạy học tại trường trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị
Động viên vào khoá 16 Sĩ Quan TB Thủ Ðức

Friday, August 12, 2011

Chuyện của Nữ hoàng Việt Nam



Chuyện Nữ hoàng duy nhất của VN bị chồng gả bán

Trong chính sử, Lý Chiêu Hoàng được miêu tả như một nữ hoàng dâm cuồng, lấy chồng không vừa lứa đôi, không còn trinh tiết, mới 6 tuổi đã có tình ý với Trần Cảnh...
 
Lý Chiêu Hoàng (1218-1278) là vị vua thứ 9 và là cuối cùng của nhà Lý (Việt Nam) từ năm 1224 đến năm 1225, đồng thời là nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Việt Nam. Bà là con thứ của vua Lý Huệ Tông, tên húy là Phật Kim, tước hiệu là Chiêu Thánh công chúa.

Cả cuộc đời 61 năm của bà có thể nói là sự nối tiếp của những chuỗi dài trầm luân vinh nhục, bắt nguồn từ tình yêu, hôn nhân bị chi phối bởi những mưu đồ tối tăm của các thế lực, phe phái chính trị trong hoàng cung thời đó.


Màn kịch tình yêu và hôn nhân trong cung cấm

Năm 1224, Trần Thủ Độ chuyên quyền, ép cha của công chúa Chiêu Thánh là vua Lý Huệ Tông đi tu. Lý Huệ Tông không có con trai, ông phải lập Chiêu Thánh làm Thái tử, rồi truyền ngôi, gọi là Lý Chiêu Hoàng. Lúc đó, Chiêu Hoàng mới 6 tuổi.


Đi thành công nước cờ đầu tiên trong mưu đồ tiếm ngôi, Trần Thủ Độ tiếp tục đưa Trần Cảnh là cháu họ, 8 tuổi, vào cung hầu hạ Lý Chiêu Hoàng, thực ra là lấy cớ để dựng nên cuộc hôn nhân giữa Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh rồi chuyển giao triều chính bằng cách để Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng chứ ai cũng hiểu một cậu bé 8 tuổi làm sao có thể hầu hạ được một cô bé cùng trang lứa.


Mặc dù ngồi ở ngôi cao nhất thiên hạ nhưng Chiêu Hoàng vẫn chỉ là một đứa trẻ non dại. Sống trong cung cấm từ nhỏ và được bao bọc bởi hành nghìn hàng vạn điều cấm kỵ, Chiêu Hoàng gặp được Trần Cảnh thì vui thích vì có người bầu bạn chứ làm sao đã biết đến chuyện ái tình nam nữ. Nhưng cả Đại Việt Sử ký Toàn thư và Đại Việt sử lược đều ghi rằng Trần Cảnh được Chiêu Hoàng gần gũi, yêu mến, hay trêu đùa: "... Một hôm, Cảnh bưng nước rửa, nhân thế vào hầu bên trong. Chiêu Hoàng trông thấy làm ưa, mỗi khi chơi đêm cho gọi Cảnh đến cùng chơi, thấy Cảnh ở chỗ tối thì thân đến trêu chọc, hoặc nắm lấy tóc, hoặc đứng lên bóng. Có một hôm, Cảnh bưng chậu nước hầu, Chiêu Hoàng rửa mặt lấy tay vốc nước té ướt cả mặt Cảnh rồi cười trêu… đến khi Cảnh bưng khăn trầu thì lấy khăn ném cho Cảnh... Cảnh xin tha tội thì cười mà rằng: "Nay ngươi đã biết khôn rồi đó". Cảnh không dám nói gì, về nói ngầm với Thủ Độ… Thủ Độ bấy giờ sợ việc bị tiết lộ thì cả nhà bị giết, mới tự đem gia thuộc thân thích vào trong cung cấm rồi loan báo: "Bệ hạ đã có chồng rồi”.


Những ghi chép của các sử thần này thực hư ra sao hậu thế không rõ, nhưng chủ ý thì đúng là cho rằng Chiêu Thánh từ nhỏ đã biết chuyện bướm ong, gợi ý tư tình đối với Trần Cảnh. Thực ra cũng chỉ là một chiêu Trần Thủ Độ hợp lý hóa việc Chiêu Thánh lấy Trần Cảnh và nhường ngôi.


Ngày mồng 1 tháng Chạp năm 1225, Chiêu Hoàng trút bỏ hoàng bào mời Trần Cảnh lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Trần Thái Tông, chấm dứt thời kỳ trị vì của nhà Lý, dựng lên nhà Trần. Năm đó, Chiêu Thánh mới 7 tuổi và cũng là lúc khởi đầu quãng đời đầy sóng gió vinh nhục của người phụ nữ bất hạnh này.


Nhường ngôi và bị phế truất

Nhường ngôi cho chồng, Lý Chiêu Hoàng được phong Chiêu Thánh hoàng hậu và chung sống hạnh phúc với chồng bấy giờ là Trần Thái Tông được gần 10 năm, tình cảm cũng khá sâu sắc. Những tưởng được đền bồi vì đã an phận không làm vua nữa thì đã có chồng làm vua, nếu sinh được con trai, thì con bà cũng lại tiếp tục kế nghiệp của nhà Trần, cũng an ủi được phần nào đối với vương triều nhà Lý. Nhưng 7 năm sau (1232), Chiêu Thánh 14 tuổi, hạ sinh con trai là thái tử Trịnh nhưng không may Trịnh mất ngay. Từ đó, Chiêu Thánh đau ốm liên miên, không sinh được người con nào với Trần Thái Tông nữa.


Đến năm 1237, Trần Thủ Độ và vợ là công chúa Thiên Cực (tức Trần Thị Dung - vợ cũ vua Lý Huệ Tông, mẹ của Chiêu Thánh) ép Trần Cảnh phải bỏ Chiêu Thánh để lấy chị dâu (vợ Trần Liễu, chị gái Chiêu Thánh) là công chúa Thuận Thiên đang có thai 3 tháng. Trần Cảnh lúc đầu phản đối, bỏ ngôi vua lên chùa Phù Vân ở Quảng Yên. Trần Thủ Độ vừa dỗ vừa gây sức ép, cuối cùng cũng phải chịu nghe theo. Không còn chỗ bấu víu, Chiêu Thánh bị giáng xuống làm công chúa.


Mới 19 tuổi, Chiêu Thánh đang từ ngôi cao hạnh phúc lâm vào cảnh mất ngôi, mất chồng, không con cái, bị chính người mẹ dứt ruột đẻ ra thông đồng với Trần Thủ Độ ép uổng, nặng nề hơn là mang trọng tội không giữ được ngôi vua mà dòng họ Lý gìn giữ hơn 200 năm qua. Lúc này bà mới ngộ ra mình chỉ là con rối trong tay những người thân thích bị thế quyền làm mờ mắt.


Xuất gia tu hành nhưng vẫn bị chồng cũ gả bán

Những biến cố lớn của cuộc đời dồn dập xuống khiến Chiêu Thánh quá buồn và chán nản, không chịu được cảnh ngột ngạt trong cấm cung, bà xin với triều đình cho xuất gia đi tu. Những tưởng đã dứt phàm trần, vài năm sau, cuộc đời người phụ nữ này lại bị khuấy đảo dữ dội chính bởi sự phũ phàng, tệ bạc của người chồng cũ. Năm 1258, Chiêu Thánh bị Trần Thái Tông gả cho Lê Phụ Trần để thưởng công ông ta đã giúp vua thoát chết trên sa trường. Đây cũng chính là những chuyện khiến người đời sau mỗi khi nói đến đời vua Trần Thái Tông thường chê trách vì coi thường đạo vợ chồng, phạm luân thường đạo lý…


Chiêu Thánh trở thành phu nhân cuả Lê Phụ Trần và đã sinh cho Phụ Trần hai người con, trai là Thượng Vị hầu Tông, gái là Ứng Thụy công chúa Khuê. Việc sinh con đã mang lại niềm hạnh phúc được làm mẹ cho Chiêu Thánh, là niềm an ủi lớn lao cho quãng đời còn lại của bà.


Đến năm 1277, nghe tin chồng cũ là Thượng hoàng Thái Tông qua đời, quá khứ đau thương sống lại dày vò Chiêu Thánh khiến bà mang tâm bệnh rồi một năm sau trẫm mình dưới sông tìm đến sự giải thoát, thọ 61 tuổi. Bà mất đi nhưng những thành kiến khắc nghiệt của các sử thần Nho giáo vẫn không chịu buông tha. Việt Sử Tiêu Án viết: Hiện nay ở tỉnh Bắc Giang có đầm Minh Châu, giữa đầm có phiến đá to, người ta truyền lại rằng: Bà Chiêu Thánh cắp hòn đá nhảy xuống đầm mà chết, trên đầm có miếu Chiêu Hoàng, đó là thổ dân nơi đó bênh vực hồi mộ cho bà Chiêu Thánh mà đặt ra thuyết ấy. Bà Chiêu Hoàng nhất sinh là người dâm, cuồng, lấy chồng không vừa lứa đôi, đâu còn trinh tiết như lời người ta truyền lại.


Lúc còn sống, bà đã phải chịu nhiều đau khổ và búa rìu dư luận, nhưng sau khi chết đi rồi, tuy là một vị vua chính thức của vương triều nhà Lý nhưng Lý Chiêu Hoàng đã không được sử sách công nhận một cách công bằng. Nhà Lý có 9 vị vua, nhưng chỉ có 8 vị trước Lý Chiêu Hoàng (từ Lý Thái Tổ tới Lý Huệ Tông) được thờ tại Đền Đô, còn riêng bà Chiêu Hoàng thì lại thờ riêng tại một khu vực khác, gọi là Đền Rồng.


Lý Chiêu Hoàng dù xuất thân hoàng tộc cao quý nhưng cuộc đời đầy sóng gió, đau thương, chính là nạn nhân tiêu biểu của những thế lực chính trị muốn chiếm đoạn ngai vàng lúc bấy giờ. Bà không khác gì con rối bị lợi dụng trong bối cảnh rối ren và tàn độc của thế quyền. Chưa hết, hàng trăm năm sau khi mất, bà vẫn là nạn nhân của của những quan niệm khắc nghiệt của chế độ phong kiến Việt Nam và hệ tư tưởng Nho giáo.


Theo Báo Đất Việt